Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Bánh xèo Cần Thơ Đậm đà hương vị Miền Tây!!

Cái tên gọi "bánh xèo" cũng làm người ta nghĩ suy "có phải rằng tiếng xèo xèo khi đổ làm nên tên gọi của chiếc bánh". Chiếc bánh ở từng vùng cũng khác nhau về kích cỡ và cách làm nhân: bánh xèo Huế, bánh xèo Phan Thiết thường nhỏ nhưng bánh xèo Cần Thơ lại khác hẳn, to và nhiều nhân. Nhất là ai đã về miền Tây Nam Bộ không thể không ghé đến Cần Thơ thưởng thức chiếc bánh xèo giòn rụm với đủ loại rau chắc khó thể nào quên.
Bánh xèo Cần Thơ

Bánh xèo Cần Thơ thường thì mùa nào thức nấy, ngày thường bà nội trợ hay dùng giá hoặc củ sắn thái sợi cùng thịt ba chỉ, tép bạc làm nhân. Đến mùa mưa măng mọc, nấm mối rộ trong vườn, bánh xèo được thay nhân mới bằng măng tươi thái sợi, nấm mối xào ngon tuyệt cú mèo, đến mùa nước lên điên điển đơm bông, nhân bánh lại rực một màu vàng. Ngày nay trong các nhà hàng sang trọng bánh xèo được sáng tạo nên nhiều loại nhân khác nhau: nấm kim châm, hải sản, phi lê gà...cũng hấp dẫn không kém. Với chiếc bánh xèo đầy màu sắc lẫn mùi vị đó khi ăn lại được cuốn trong các loại rau xanh và chấm với nước mắm chua ngọt, trong có để cà rốt và củ cải trắng ngâm giấm. Rau xanh đủ loại, đủ thành phần từ trong vườn, dưới ruộng và cả ven sông: quế nước, đọt sọp, đọt lụa, lá cách, lá điều, đọt xoài, đọt cóc, đinh lăng, sao nhái, sà lách, cải bẹ xanh, các loại rau thơm: tía tô, quế, húng lũi, húng cây...
Bánh xèo cần thơ
                                                                  Rau ăn kèm
Bánh xèo cần thơ
                                                                     Thợ làm bánh
Có nhiều du khách nước ngoài khi thưởng thức món bánh xèo lại ngân nga: đây là pizza của Việt Nam, một loại pizza ăn không ngán lại tốt cho sức khỏe vì có nhiều rau ăn kèm. Với người miền Tây Nam Bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng bánh xèo Cần Thơ luôn ẩn trong chiếc bánh xèo còn có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Đó là tình mẹ ấm áp dành cho những đứa con, là tình chồng vợ êm đềm hạnh phúc. Mẹ thường hiểu đứa con nào thích ăn nhân gì, cha những đứa con mình thích nhân gì. Rồi những ngày rảnh rỗi, cả nhà quây quần bên bếp lửa, mẹ ngồi đổ bánh, cha con quay quần thưởng thức chiếc bánh xèo mẹ vừa đổ giòn tan trong một không khí gia đình ấm cúng. Vì những lẽ đó mà hàng trăm năm qua nó vẫn tồn tại, vẫn mang đến cho người ăn cảm giác thích thú mặc dù công đoạn làm nên chiếc bánh cầu kỳ, công phu vô cùng.

- Bánh xeo Ốc gạo Cần Thơ hương vị quê hương!

Không đơn giản là bánh xèo với thịt ba rọi và tép bạc. Người Cần Thơ còn kết hợp con ốc gạo với món bánh xèo tạo nên hương vị đặc trưng, mang đậm dấu ấn miền Tây sông nước.

Ốc gạo có mặt khắp miền sông nước Cửu Long và nhiều nhất phải kể là cù lao Tân Phong (Tiền Giang), cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách - Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp), Nông trường sông Hậu (Cần Thơ)…
Với người miền Tây con ốc gạo từ lâu đã quá quen thuộc, nhất là mùa nước nổi vào tháng 4, 5 âm lịch. Ốc gạo thịt trắng đục, béo thơm thường được luộc lên với xả tươi, chấm cùng nước mắm xả ớt thơm ngon. Nếu thích có thể đem ốc gạo mang xào với xả ớt ăn chung với cơm nguội thì không còn gì có thể sánh bằng.
 
 
Không dừng lại ở đó ốc gạo còn dùng nấu lẩu mắm, ốc gạo trộn dừa nạo cuốn cùng bánh tráng phơi sương, ốc gạo trộn gỏi chuối cây…Nói đến món ăn được chế biến từ ốc gạo thì không thể không nhắc đến món bánh xèo ốc gạo nổi tiếng ở Cần Thơ, từ lâu đã trở thành món ăn cuốn hút bao thực khách  gần xa mỗi khi có dịp ghé qua xứ “gạo trắng, nước trong” này.
 
Để làm bánh xèo ốc gạo thì nguyên liệu quan trọng nhất chính là ốc gạo. Trước khi mang ốc đi luộc, người ta phải cho ốc vào thau nước vo gạo, thêm  trái ớt đâm giập trong vài giờ để ốc nhả sạch hết đất cát. Sau đó mang ốc luộc chín với xả đập giập, cuối cùng là dùng tăm tre hay kim để lấy phần thịt ốc ra cho vào tô. Để  phần nhân bánh thơm ngon hơn, người ta sẽ mang ốc gạo xào sơ qua với hành tây, nêm chút gia vị để thêm đậm đà.
 
 
Kế đến là phần vỏ bánh quyết định đến 90% chất lượng của bánh xèo, bột được dùng để đổ bánh xèo phải là bột gạo nguyên chất, được cho vào thêm một quả trứng gà để bánh không quá mềm và không  dễ bị rách. Sau đó người ta thêm vào bột bánh một ít bột nghệ,  gia vị như muối,đường, hành lá cắt nhuyễn, nước cốt dừa. 
 
Có thể nói công đoạn đó bánh xèo phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của thợ. Phải đổ sao cho chiếc bánh xèo phải vừa mềm, vừa giòn, bánh không  bị vỡ, khi đổ xong phải có hai mặt vàng ươm đều màu.
 
 







 
Đầu tiên ta cho ít dầu vào chảo, kế đến lần lượt là tôm, ốc gạo, rưới lên đó một muỗng bột bánh, một ít giá hoặc củ sắn, đậu xanh. Đậy nắp lại trong vài phút là trở bánh nếu không bánh sẽ bị khét và vỡ vụn.
 
 
Cũng như bánh xèo thông thường, bánh xèo ốc gạo cũng được ăn kèm rau xanh, xà lách, rau sống. Cho miếng bánh xèo, cùng tôm, ốc, giá sống lên trên lá rau ranh, có thể cho một ít bún, cuộn tròn lại và chấm vào chén nước mắm tỏi ớt thơm ngon.
 
Đảm bảo khi đó bạn sẽ không bao giờ quên được mùi vị của món bánh xèo ốc dân dã nhưng lại chứa đựng biết bao mùi vị của làng quê miền Tây Nam Bộ này.

- Bánh xèo Tân Định Cần Thơ hấp dẫn từng du khách.

Quán bánh xèo Tân Định  – Địa chỉ: Đại lộ Lê Lợi, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ
Số ĐT: 0913 730710
Giờ mở cửa: 8h – 22h
Giá trung bình: 150.000đ – 200.000đ
 

- Thưởng thức bánh xèo xóm Tân Định (Cần Thơ)

Tên Tân Định, theo nhiều người dân cố cựu ở đây cho biết, vùng này xưa có con rạch  nằm cạnh những hàng cây bàng to lớn nên có cái tên này. Nay thì con rạch đã lở dần ra khá lớn mà hàng bàng không còn nữa nhưng bánh xèo, bánh khọt vẫn còn ngon như xưa.



Nói đến địa danh này hôm nay nằm ở đường Lê Lợi, Ninh Kiều  Cần Thơ , du khách sẽ nghĩ ngay đến hai món ăn ngon tuyệt là bánh xèo và bánh khọt. Nhớ lại mấy năm gần đây bánh xèo Cần Thơ bỗng nổi danh cả nước và cả xứ người tận nước Mỹ xa xôi. Người đánh “quả chuông” ấy là nghệ nhân “ Mười Xiềm”, một phụ nữ Nam Bộ chơn chất, nông dân 100%.
Không như cách làm của nghệ nhân nổi tiếng ấy, chị Đặng Thi Hương từ huyện Kế Sách, Sóc Trăng rời quê đến đây lập nghiệp với nghề làm bánh xèo, bánh khọt khá hấp dẫn, vừa ngon vừa hợp khẩu vị thực khách. Chị Hương cho biết: “Bánh muốn ngon, cần các yếu tố quan trọng và phải có kinh nghiệm như: cách pha bột, kỹ thuật chiên, độ nóng của lửa lò, đầy đủ các loại rau ăn kèm, đặc biệt là cách pha chế nước mắm sao cho đậm đà, có mùi dịu…”
Hiện tại quán của chị Hương có cái tên khá quen thuộc, bánh xèo “7 Tới”. Tại đây nhưn bánh được làm bằng thịt vịt, thịt heo bằm nhuyễn trộn với củ sắn, đậu xanh, tép luộc, củ hũ dừa và nước cốt dừa. Rau ăn kèm thì tha hồ với xà lách, cải xanh, đọt bằng lăng, rau thơm… Không chỉ có bánh xèo, quán còn phục vụ bánh khọt cũng thơm ngon không kém. Sau quán 7 Tới, hiện xóm Cái Sơn – Hàng Bàng này xuất hiện nhiều quán bánh xèo, bánh khọt khác cũng thu hút nhiều thực khách; nhất là vào những ngày cuối tuần. Điều đặc biệt, hầu hết các “đầu bếp” đều là thanh niên với những động tác rất thuần thục, điêu luyện và… đẹp mắt.
Thú vị lắm khi ngồi ăn những dĩa bánh xèo vàng ươm, nóng hổi, giòn rụm hay những cái bánh khọt xinh xinh beo béo với đủ loại rau để được nghe kể về cái tên bánh xèo, bánh khọt có tự bao giờ. Nhiều người cao tuổi kể rằng: cái tên bánh xèo là do đổ bột và nhưng vào chảo phát ra tiếng nghe xèo xèo nên gọi là bánh xèo. Gọi là bánh khọt vì được chiên trong những cái khọt thiếc nhúng vào chảo dầu sôi. Theo giải thích của các chủ quán bánh xèo thì tục lệ xưa, bánh xèo là món ăn chính không thể thiếu trong gia đình vào những ngày giỗ, đặc biệt là tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch).
Nếu đến Cần Thơ, du khách chỉ mất chừng mười phút, đi khoảng 6km từ trung tâm thành phố đến xóm Tân Định là có thể thưởng thức món bánh dân dã này

- Thông tin liên hệ

  • Liên hệ:  
    • Phone 0974393600
    • Email: nguyenchivuong90@gmail.com
    • Địa chỉ: Thủ đức, Tp hcm 
                    

- Banh xèo Cần Thơ

Nếu có dịp đến miền Tây vào mùa nước nổi, bạn hãy thưởng thức món ăn dân dã khó quên của quê hương miền Tây hiền hòa, mến khách. Và hãy tìm cách thử một lần món bánh xèo đặc biệt: bánh xèo thịt chuột.

banhxeothitchuot

Tôi về quê Cờ Đỏ (Ô Môn, TP Cần Thơ) vào thời điểm nước lũ tràn về phủ trắng cánh đồng. Mọi phương tiện di chuyển đường bộ đều rất khó khăn. Ngồi bó gối một mình nhìn dòng nước chảy và sóng vỗ ì oạp dưới chân nhà sàn riết rồi cũng buồn. Thấy vậy, bác tôi bèn rủ tôi đi giậm cù bắt chuột cho vui.
Tôi theo bác ra đồng tìm những mô đất cao nơi chuột trú ẩn để săn chuột. Sau mấy giờ “quần thảo”, hai bác cháu cũng kiếm được hơn một chục con béo ngậy, trông bắt mắt. Tôi hỏi: “Chuột này về làm món gì hả bác?”. Bác cười: “Lâu lâu mày mới về một lần, chẳng lẽ đãi mày mấy món thường ngày, chuột nướng, chuột chiên, chuột xào lá cách… Thôi để bác chiêu đãi món “độc chiêu”, đảm bảo “không đụng hàng”, chắc chắn mày chưa thưởng thức bao giờ: bánh xèo thịt chuột”.
Thành thật mà nói, với dân miền Tây như tôi, các món từ thịt chuột tôi đã ăn “mòn răng”, nhưng bánh xèo mà lại bánh xèo thịt chuột thì tôi chưa từng thưởng thức bao giờ!
Nghe món ăn lạ, tôi càng tò mò, nhưng bác nói: “Ráng chờ, để tao “sai” bác gái mày cùng mấy anh chị chuẩn bị tiếp một tay cho nhanh”. Thấy tôi đứng xớ rớ, bác dẫn tôi ra sau chái bếp rút một bó rơm chuẩn bị thui chuột. Chờ lông chuột cháy trèm trèm tỏa mùi thơm nức mũi, bác lấy chuột lột da, làm sạch để ra rổ cho ráo, rồi dùng dao bén bằm nhuyễn thịt chuột. Thịt chuột sau khi ướp gia vị (muối + đường) vừa khẩu vị để một lúc mới bắc chảo lên bếp phi mỡ hành tỏi cho thơm để sẵn ra tô.
Anh Hai phụ trách phần lột và nạo dừa vắt lấy nước cốt; lặt rau sống, rửa giá sống. Chị Ba phụ trách phần xắt củ hành (tây và lá), xắt sợi củ sắn, cắt khúc hẹ, nấu đậu xanh cho mềm… Riêng phần bột bánh – định đoạt chất lượng của món ăn – do bác gái pha. Bột cho vào thau cùng bột nghệ rồi trộn đều và thêm các gia vị (muối + đường + bột ngọt + nước cốt dừa + hành lá xắt nhuyễn), nêm nếm vừa khẩu vị. Không quên thêm vào đó một quả trứng vịt pha chung với bột để bánh mềm, béo ngon, dễ gỡ, không bị rách…
Lửa hồng đã chuẩn bị. Với những động tác nhanh nhẹn, bác bắc chảo lên bếp, cầm cọng chuối (giống như cây cọ được đập giập một đầu) nhúng vào tô mỡ nước và thoa đều trong lòng chảo. Tiếp đến, dùng vá múc bột cho vào chảo, cầm quai xoay vòng một cách nhẹ nhàng để bột tráng thành một lớp mỏng đều hình tròn, mép bánh không bị rách. Khi bánh vừa chín tới mới tuần tự cho thịt chuột bằm, củ hành tây, giá, hẹ, củ sắn, đậu xanh vào. Đợi các nguyên liệu chín hẳn thì dùng xạng gấp bánh làm đôi thành hình bán nguyệt và xúc bánh ra đĩa.
Bây giờ, chỉ cần làm thêm chén nước mắm chanh tỏi ớt (có dưa chua củ cải trắng, củ cải đỏ xắt sợi) cùng đĩa rau sống (cải bẹ xanh, xà lách, đọt bằng lăng, đọt bứa, rau thơm, dưa leo…) dọn ra bàn là xong!
Thật đầm ấm và hạnh phúc trong khung cảnh sum họp gia đình trong mùa nước nổi. Hai bác cháu cùng đối ẩm bên mâm bánh xèo thịt chuột nóng hổi thơm lừng. Đặt miếng cải bẹ xanh vào lòng bàn tay, “bốc” một miếng bánh xèo thịt chuột cùng miếng cải bẹ xanh, vài cọng rau thơm cuốn lại chấm vào chén nước mắm cho vào miệng nhai chầm chậm. Vị thơm, ngọt, béo của thịt chuột, bùi bùi của đậu xanh, hòa lẫn vị cay nồng của cải bẹ xanh, vị chua chua, chát chát của đọt bằng lăng… thấm vào mọi giác quan